Vay tiền ngân hàng trước rồi trả sau khi mua hàng hàng hóa, dịch vụ hay sử dụng thẻ tín dụng ngày nay khá phổ biến. Dù tiện ích nhưng người dùng cũng nên chú ý tránh "bẫy" lãi cao, dễ vướng nợ xấu khó tiếp cận vốn vay ngân hàng sau này.
Thận trọng với thẻ tín dụng
Khi nhắc đến thẻ tín dụng ngân hàng, chị Phương Anh (TP.HCM) không quên sự cố "thiếu 1 triệu mà phải nộp lãi 2,5 triệu đồng". Chuyện là, chị có 1 kỳ thanh toán giao dịch 21 triệu đồng đến hạn nhưng do nhớ nhầm (thanh toán thành 2 đợt) nên khi chuyển khoản thanh toán khoản nợ trên, tổng số tiền chị chuyển chỉ 20 triệu đồng, còn thiếu 1 triệu đồng. Tháng kế tiếp, chị sử dụng thẻ mua hàng lên 90 triệu đồng. Đến kỳ trả nợ, ngân hàng báo lãi chị phải trả là 2,5 triệu đồng.
Thấy lịch trả nợ đúng hạn nhưng bị tính lãi, chị Phương Anh phản ánh lên ngân hàng mới tá hỏa với cách tính. Dù thiếu 1 triệu đồng chậm trả nhưng số tiền lãi sẽ được tính trên 111 triệu đồng của 2 kỳ trả nợ. Tại đây, khách hàng đã trả 20 triệu đồng cũng vẫn chịu tính lãi; còn số tiền 90 triệu đồng của kỳ sau cũng tính lãi luôn, không được hưởng tiện ích chậm thanh toán trong vòng 45 ngày (có thẻ tín dụng được chậm 55 ngày).
Cá nhân khi vay tiền cần chú ý thanh toán đúng hạn
Bức xúc, chị Phương Anh liên lạc tổng đài ngân hàng phản ánh tại sao nhân viên hỗ trợ tư vấn lúc mở thẻ tín dụng không đề cập đến vấn đề trên. Chị nhận được phản hồi là bộ phận chăm sóc khách hàng mới thông tin về điều này. Để giúp, ngân hàng đã miễn phí thường niên thẻ tín dụng cho chị Phương Anh 1 năm. Sau sự vụ, chị Phương Anh cho biết: "Mỗi lần chuyển khoản trả nợ thẻ tín dụng, tôi thường trả dư ra 1.000 đồng cho phía ngân hàng nhằm tránh trường hợp số lẻ, lại bị thiếu nợ vài trăm đồng mà tính cho cả khoản nợ mấy chục triệu".
Trường hợp như chị Phương Anh không phải hiếm, một số người có kiến thức tài chính cũng dễ bị lâm vào tình huống này bởi chủ quan vì nghĩ chỉ nợ lại 1 số tiền nhỏ. Thẻ tín dụng có 1 tính năng cho phép khách hàng thanh toán tối thiểu, thường khoản 5% số tiền phải trả vào tháng để không bị tính phí phạt hoặc dẫn đến nợ xấu. Phần dư nợ chưa thanh toán sẽ tính theo lãi của ngân hàng.
Coi chừng "rớt" điểm tín dụng cá nhân
Không những thẻ tín dụng mà đến cả những khoản vay tín chấp, có tài sản bảo đảm, người vay cũng nên trả nợ ngân hàng đúng hạn, không nên thiếu đồng nào, bởi điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến điểm tín dụng của khách hàng sau này.
Chị Bảo Anh (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết, dù là người vay vốn ngân hàng nhiều lần nhưng sau đây mới biết đến trả nợ đúng hạn quan trọng như thế nào. Một khoản nợ đến hạn thanh toán nhưng do kẹt tiền nên chị chấp nhận để ngân hàng tính lãi phạt. Khoảng hơn 2 tháng sau đó, tiền về mới trả cho ngân hàng. Cứ tưởng mọi việc không có gì, nhưng đến khi làm hợp đồng vay khoản khác sau này, chị không được hưởng lãi suất vay ưu đãi vì điểm tín dụng thấp, khoản nợ vay trước đó bị nợ xấu nhóm cao.
Hiện giờ, mọi khoản nợ của khách hàng tại ngân hàng, công ty tài chính đều được báo cáo và ghi nhận tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC). Nợ quá hạn càng lâu sẽ thuộc danh sách nhóm nợ càng cao. Khách hàng bị ghi nhận có nợ quá hạn tại CIC, thường gọi là "lịch sử tín dụng không tốt", sẽ khó tiếp cận được vốn vay ngân hàng, công ty tài chính; trong trường hợp được vay vốn thì lãi vay cũng sẽ cao hơn những khách hàng khác.
Hệ thống CIC sẽ lưu lại đến 5 năm theo quy định. Hầu hết các ngân hàng, công ty tài chính sẽ tham khảo điểm tín dụng cá nhân khách hàng trên CIC trước khi xét duyệt một khoản cho vay nào. Điểm tín dụng cá nhân là chỉ số đánh giá độ uy tín của khách hàng trong lịch sử vay vốn ở các ngân hàng hay tổ chức tài chính. Điểm tín dụng càng cao, khả năng được chấp nhận khoản vay cao hơn. Ngược lại, điểm tín dụng thấp, khách hàng khó có thể tiếp cận được khoản vay.
Chính vì như thế, cá nhân để lâm vào tình trạng nợ xấu không những phải chịu phí, lãi phạt cao mà còn bị mất điểm tín dụng cá nhân. Vì vậy, khi vay tiền ngân hàng, cá nhân nên hỏi kỹ nhân viên tín dụng, đọc kỹ hợp đồng và thực hiện đúng cam kết đã ký trên hợp đồng vay, trong đó bao gồm cả lịch trả nợ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét